Những bất cập trong công tác quy hoạch tại Lâm Đồng đã để lại những huệ lụy, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. Trong khi đó, chính quyền địa phương đang lúng túng trong việc xử lý vấn đề này.
Bất cập quy hoạch tại Lâm Đồng: Người dân ‘kêu trời’, chính quyền lúng túng
Mục lục
Một mảnh đất, hai quy hoạch
Ngày 9/5/2022, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng đã có báo cáo gửi UBND tỉnh Lâm Đồng về việc rà soát, đề xuất xử lý các trường hợp bất cập, không hợp lý trong các quy hoạch trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
Theo đó, nổi bật nhất là bất cập về việc cùng một vị trí đất nhưng theo quy hoạch sử dụng đất là đất ở, còn theo quy hoạch xây dựng là đất công viên cây xanh, công cộng, hạ tầng.
Đơn cử tại TP. Đà Lạt, đoạn từ La Sơn Phu Tử đến nhà hàng Thắng Lợi, khu vực đoạn đường Đồng Tâm, hẻm sau trường Tây Sơn có quy hoạch sử dụng đất là đất ở.
Thế nhưng quy hoạch chung của thành phố (Quyết định số 704/QĐ-TTg ngày 12/5/2014 của Thủ tướng Chính phủ – gọi tắt là quy hoạch 704) là đất công viên cảnh quan; đường Trần Phú đoạn đối diện bưu điện tỉnh, đường Đống Đa đoạn bên trái quy hoạch đất ở và đất du lịch hỗn hợp; dọc đường Thánh Mẫu quy hoạch đất ở và đất nông nghiệp sạch đô thị;…
Tại huyện Bảo Lâm, một số vị trí đất trên địa bàn các xã và thị trấn theo quy hoạch sử dụng đất là đất ở. Tuy nhiên, theo quy hoạch chung xây dựng lại thuộc công viên cây xanh, đất dự trữ, công trình công cộng, hoặc theo quy hoạch nông thôn mới lại là khu nông nghiệp, trồng cây lâu năm.
Ngoài ra tại huyện Đơn Dương, quy hoạch đô thị Finôm – Thạnh Mỹ đến năm 2035 (được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 637/QĐ-UBND ngày 25/3/2021) không kế thừa các quy hoạch đã được phê duyệt như quy hoạch sử dụng đất huyện Đơn Dương đến năm 2020, quy hoạch chung xây dựng nông thôn mới xã Đạ Ròn,…
Một bất cập khác liên quan đến việc quy hoạch là đất ở xen lẫn trong khu vực đất nông nghiệp, chưa có hạ tầng giao thông, đấu nối đồng bộ, hoặc quy hoạch công viên cây xanh trong khu vực đất ở đã ổn định từ trước.
Đơn cử như tại thành phố Đà Lạt, khu vực đất rừng nội ô giữa đường Hà Huy Tập và Lương Thế Vinh hiện trạng là đất rừng, độ dốc cao nhưng theo quy hoạch 704 là khu ở cải tạo.
Hay khu vực dọc mặt tiền đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, hiện trạng đã có nhà ở ổn định, đã được cấp GCNQSDĐ là đất ở. Tuy nhiên, theo quy hoạch 704 lại là đất công viên chuyên đề.
Còn tại huyện Đơn Dương, khu dân cư thôn Suối Thông B1, thôn 3 xã Đạ Ròn, tổ dân phố Nghĩa Lập 4,… đã có các hộ dân xây dựng nhà ở ổn định và hình thành khu dân cư dọc 2 bên đường, có doanh nghiệp đã được thuê đất kinh doanh, xây dựng nhà máy.
Tuy nhiên, theo quy hoạch PhiNôm – Thạnh Mỹ đến năm 2035, khu vực này lại là đất nông nghiệp công nghệ cao; quy hoạch đất ở các khu vực dọc sông Đa Nhim, giáp nghĩa trang, giáp ranh đất lâm nghiệp (không có khu dân cư),…
Còn tại huyện Bảo Lâm, một số vị trí trên địa bàn các xã, thị trấn là khu vực dân cư hiện hữu, nhưng theo quy hoạch nông thôn mới thì đó lại là đất cây xanh hoặc khu sản xuất nông nghiệp,…
>>>Cách phân biệt sổ đỏ – sổ trắng – sổ hồng đơn giản
Lúng túng trong xử lý
Sự bố trí bất hợp lý, không đồng bộ trong quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng trên địa bàn các huyện, thành phố như trên đã tạo ra những tác động xấu, hạn chế quyền lợi của người dân và khó khăn trong công tác quản lý nhà nước về quy hoạch, đất đai.
Chẳng hạn như trường hợp vị trí đất đã được chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở (phù hợp, hoàn thành nghĩa vụ tài chính với quy định của Luật Đất đai) nhưng không phù hợp với quy hoạch xây dựng tại khu vực (thuộc quy hoạch đất công viên cây xanh, khu sản xuất nông nghiệp,…), do đó không đủ cơ sở được cơ quan có thẩm quyền cấp phép xây dựng. Việc này đã tạo ra bức xúc, mất niềm tin vào quy hoạch của người dân.
Nhiều trường hợp người dân đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là đất ở do đã hình thành công trình và sử dụng ổn định từ trước. Nhưng đến nay đất của họ lại thuộc quy hoạch đất công viên cây xanh, nông nghiệp, hành lang cây xanh. Điều này khiến họ không xin được cấp phép xây dựng để xây dựng lại nhà ở đã xuống cấp, đồng thời cũng làm hạn chế quyền sử dụng đất của người dân.
Những bất cập, không hợp lý trong công tác quy hoạch nêu trên cũng đã gây khó khăn, lúng túng trong giải quyết thủ tục hành chính nhà nước.
Việc chồng chéo giữa quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng gây ra lúng túng trong công tác quản lý. Một số địa phương không biết xác định, áp dụng quy hoạch nào cho phù hợp, dẫn đến giải quyết các hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất, cấp phép xây dựng chưa phù hợp với quy định.
Bên cạnh đó là tạo ra những quan điểm trái chiều, mâu thuẫn, lãng phí thời gian, chậm trễ hồ sơ và không thỏa đáng được nguyện vọng nhu cầu của người dân trong việc giải quyết thủ tục hành chính.
Chưa hết, sự không thống nhất giữa các quy hoạch cũng đã gây nên những khiếu kiện có liên quan, đồng thời gây ra những thủ tục phát sinh buộc cơ quan nhà nước phải ban hành quyết định điều chỉnh quy hoạch hoặc điều chỉnh cục bộ nhiều lần. Trong khi đó, các địa phương không kịp thời cập nhật, áp dụng dẫn đến các cá nhân, tổ chức giải quyết thủ tục hành chính bị sai sót, vi phạm.
>>>Giấy phép xây dựng và những cập nhật mới cần biết
Quy hoạch Lâm Đồng bị chồng chéo cần khắc phục như thế nào?
Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng cho rằng có nhiều nguyên nhân dẫn đến những bất cập, không hợp lý nêu trên, như tính chất của 2 quy hoạch là khác nhau hoặc liên quan đến thẩm quyền phê duyệt quy hoạch. Cùng với đó là vấn đề về hệ thống bản đồ quy hoạch.
Theo đó, quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch về xây dựng sử dụng hệ thống, tỷ lệ bản đồ theo quy định của ngành, lĩnh vực khác nhau đã dẫn đến việc sai lệch, không đồng nhất kỹ thuật lập, quy định loại đất, sai lệch vị trí.
Từ thực tiễn nêu trên, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng đề xuất UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh phối hợp với UBND các huyện, thành phố và rà soát những bất cập, bố trí không hợp lý, chồng chéo giữa các quy hoạch đã và đang áp dụng, triển khai. Qua đó làm cơ sở tổng hợp, báo cáo và đề xuất hướng xử lý.
Sở này cũng đề xuất UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo UBND các huyện, thành phố khẩn trương rà soát những vị trí đất đang còn bất cập, chồng chéo, bố trí không hợp lý giữa các quy hoạch, qua đó báo cáo và đề xuất hướng xử lý, cung cấp thông tin cho cơ quan lập quy hoạch tỉnh.
UBND các huyện, thành phố phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh và quy định pháp luật đối với việc để xảy ra việc chồng chéo, bố trí không hợp lý giữa các quy hoạch và các vướng mắc có liên quan. Bởi lẽ, các quy hoạch này đều do UBND cấp huyện lập, đề xuất.
Lê Phước Bình
Theo thanhnienviet